Giá vàng đã tăng trong năm 2017 và vẫn đang tiếp tục tăng. Ngày 24/1, vàng có lúc đã lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng, 1.352,77 USD/ounce, trong khi USD giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng.
Năm 2017, giá vàng (tính theo USD) đã tăng 13,5%, mạnh nhất kể từ năm 2010, vượt xa mức tăng của nhiều loại tài sản đầu tư khác. Tính theo Rupee Ấn Độ giá vàng cũng tăng 5,1%, và theo Nhân dân tệ Trung Quốc cũng tăng 3,5%.
Đây được coi là một điều khác thường vì năm 2017 kinh tế toàn cầu tăng trưởng (điều kiện để các tài sản rủi ro tăng giá); Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 3 lần trong vòng một năm (điều kiện để USD tăng giá); Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nâng tỷ lệ lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng 10 năm; Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống giảm phát và chuẩn bị chấm dứt nới lỏng tiền tệ.
Trong bối cảnh đó, vàng vẫn tăng giá ngoạn mục. Các nhà đầu tư vấn tiếp tục rót thêm tiền vào vàng.
Về triển vọng thị trường năm 2018, Hội đồng Vàng Quốc tế (WGC) nhận định có 4 yếu tố cơ bản sẽ điều khiển các thị trường tài chính và chi phối thị trường vàng.
1. Kinh tế thế giới đồng loạt tăng trưởng. 10 năm sau khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu đã hồi phục trở lại mức gần như bình thường. Trên thực tế, kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng tốt trong năm 2017, và dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2018. Các nền kinh tế Mỹ và châu Âu đã tăng trưởng bền vững, tỷ lệ thất nghiệp giảm trong những năm gần đây. Lương tăng đều mặc dù lạm phát còn thấp. Niềm tin của người tiêu dùng cũng như của giới kinh doanh đều tăng lên khi thu nhập tăng và tài chính ổn định, mọi người đều lạc quan hơn về tương lai.
Điều này được lý giải bởi một số nguyên nhân: Đồng USD giảm giá hỗ trợ cho vàng tăng; nhiều tài sản, bao gồm cả những chỉ số chứng khoán lớn, lập kỷ lục cao mới khiến các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ các nhà đầu tư chứng khoán rút vốn gây sụt giảm nên mở rộng thêm vàng vào danh mục tài sản đầu tư để giảm thiểu rủi ro; và sự bất ổn định về địa chính trị khiến các nhà đầu tư gia tăng dòng chảy vốn vào vàng.
Dự báo kinh tế Trung Quốc – thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới- sẽ tăng trưởng tốt, nhưng bản chất tăng trưởng của thị trường này đã có sự thay đổi cơ bản, từ dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng. Điều này có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng chậm lại nhưng kinh tế Trung Quốc trở nên cân bằng hơn, và đây vẫn là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Tại Ấn Độ, thị trường vàng lớn thứ 2 thế giới, kinh tế tăng trưởng chậm lại sau những chính sách như cấm lưu hành tiền mệnh giá lớn, đánh thuế hàng hóa và dịch vụ…, nền kinh tế sẽ trở lại tăng trưởng cao nhờ sự minh bạch được cải thiện và điều kiện kinh doanh tốt hơn.
Nghiên cứu của WGC cho thấy kinh tế tăng trưởng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vàng. Khi thunhập tăng, nhu cầu đồ trang sức cũng như các mặt hàng công nghệ chứa vàng (như điện thoại thông minh, máy tỉnh bảng…) sẽ đều tăng. Thu nhập tăng cũng thúc đẩy hoạt động tiết kiệm, trong đó có nhu cầu vàng tích trữ.
Chẳng hạn như từ quý I đến quý III/2017, nhu cầu vàng tiêu dùng của Trung Quốc tăng 12%, nhu cầu vàng trang sức của Mỹ đạt mức cao nhất trong 7 năm, và nhu cầu hàng công nghệ đang tăng trưởng mạnh trở lại.
Các phân tích của WGC cho thấy thu nhập tăng sẽ có tác động rất lớn tới nhu cầu tiêu dùng vàng. Đó là sự tác động qua lại. Nhu cầu tiêu dùng tăng thúc đẩy đầu tư vào vàng, các nhà đầu tư thường hướng tới vàng như một hàng rào chống lại các cú sốc tài chính (hỗ trợ giá vàng dài hạn).
2. Các chính phủ thu hẹp bảng cân đối tài sản. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng sẽ dẫn tới việc các ngân hàng trung ương thắt chặt dần chính sách tiền tệ. Fed sẽ đi đầu trong phong trào này, với kế hoạch cắt giảm bảng cân tối tài sản khoảng 10 tỷ USD/tháng, sau đó cứ mỗi 3 tháng sẽ cắt giảm thêm ít nhất khoảng 10 tỷ USD/tháng, nhưng tối đa 50 tỷ USD/tháng cho tới khi bảng cân đối tài sản của Fed giảm xuống dưới 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Fed cũng dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên cao nữa, có thể sẽ thêm khoảng 2-3 lần trong năm 2018. Lẽ ra việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến USD tăng khiến nhu cầu đầu tư vào vàng giảm đi, nhưng thực tế phức tạp hơn thế nhiều.
Trong suốt thập kỷ qua, các ngân hàng trung ương đã bơm bảng Anh, Euro và yen Nhật trị giá hàng tỷ vào nền kinh tế toàn cầu và không ngừng cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, biến động thị trường đã giảm thiểu xuống mức thấp kỷ lục và giá cả cũng tương tự như vậy. Nhưng xu hướng này đã đảo ngược lại, và biến động của thị trường tài chính cũng sẽ tăng lên theo. Tuy nhiên, mức lãi suất dù tăng vẫn tiếp tục ở mức thấp, và tỷ lệ nợ ở những nền kinh tế phát triển vẫn ở mức cao, còn ở những nền kinh tế mới nổi không ngừng tăng lên. Điều đó khiến cho các chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình trở nên “nhạy cảm” với những thay đổi về tỷ lệ lãi suất hơn là trong những giai đoạn nợ nần ở mức thấp.
Và theo WGC, tiềm năng đầu tư vào vàng có thể sẽ không rất mạnh, nhưng vàng có thể giúp các nhà đầu tư kiểm soát rủi ro trên thị trường tài chính. Phân tích cho thấy tỷ lệ lãi suất có tác động tới giá vàng, cụ thể là tại Mỹ nếu lãi suất từ 0% đến 4% thì vẫn thúc đẩy giá vàng tăng.
3. Bong bóng giá tài sản. Giá tài sản trong năm 2017 đã tăng lên mức cao kỷ lục nhiều năm. Tại Mỹ, chỉ số S&P500 cao kỷ lục lịch sử và tỷ lệ lợi nhuận của nhà đầu tư cao nhất kể từ mức đỉnh giai đoạn bong bóng dot-com năm 2000. Ngoài ra, các nhà đầu tư buộc phải chấp nhận thêm những rủi ro khác. Trên thị trường tín dụng, họ phải cho cả những công ty chất lượng thấp vay tiền.
Theo Fed St Louis, mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu công ty được đánh giá BAA và trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện thấp nhất kể từ năm 2007, trong khi Fed Chicago cho biết các điều kiện cấp tín dụng của họ hiện lỏng lẻo nhất kể từ năm 1994. Các nhà đầu tư đang tìm mọi cách để kiếm lời. Ví dụ tại Trung Quốc, giá bất động sản tăng gần gấp đôi kể từ tháng 1/2015 tới tháng 10/2017. Các nhà phân tích và bình luận đã cảnh báo, nhưng thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá, và các tiêu chuẩn cấp tín dụng vẫn tiếp tục được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã lo ngại khi nghe những đánh giá này, và thận trọng hơn với tài sản của họ trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang thay đổi chính sách. Ví dụ tại Trung Quốc, các nhà quản lý đã khẳng định nỗ lực kiềm chế rủi ro tài chính và đã can thiệp để làm nguội thị trường bất động sản.
Nếu các thị trường tài chính có sự điều chỉnh, những nhà đầu tư nắm giữ vàng sẽ có lợi vì giảm thiểu được tổn thất trong giai đoạn khủng hoảng tài chính.
4. Tính minh bạch, hiệu quả, và khả năng tiếp cận thị trường. Trong thập kỷ qua, thị trường tài chính đã trở nên minh bạch và hiệu quả hơn. Các nhà đầu tư được mở rộng tiếp cận với nhiều sản phẩm mới với rất nhiều hình thức và quy mô.
Thị trường vàng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong vài năm qua, thị trường này đã trở nên minh bạch hơn nhiều. Sàn London đã có 2 dấu mốc quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là, sau khoảng thời gian ba thập niên bị gián đoạn, giao dịch vàng tương lai đã quay trở lại trên sàn London. Đây là sự thay đổi lớn nhất đối với thị trường vàng miếng của London – nơi giao dịch vàng trực tiếp lớn nhất thế giới (khoảng 3/4 các giao dịch vàng trên thế giới diễn ra tại London nhưng hầu hết đều dưới hình thức giao dịch trực tiếp giữa người bán và người mua đã diễn ra trong nhiều thập kỷ). Từ năm 2017, liên minh giữa Sàn giao dịch kim loại London, Hội đồng vàng thế giới và một nhóm các ngân hàng cũng như các hãng giao dịch đã khởi động một sáng kiến mới mới mang tên LMEprecious với mục đích đưa các hợp đồng kim loại quý vào giao dịch bắt đầu từ năm 2018. Hai kim loại vàng và bạc sẽ được giao dịch trước, sau đó là bạch kim và palađi.
Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch mở sàn giao dịch vàng để đảm bảo chất lượng, tính minh bạch cũng như hiệu quả trong giao dịch mặt hàng này (hiện tại, vàng ở Ấn Độ mới chỉ được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn). Đây là một trong những nỗ lực của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhằm cải cách ngành vàng, tăng cường tính minh bạch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch vàng. Sàn vàng giao ngay này sẽ đóng vai trò chủ chốt tạo “bước chuyển mình” cho thị trường vàng Ấn Độ, thông qua việc đảm bảo các tiêu chuẩn, cung cấp mức giá phải chăng cũng như kéo thêm nhiều nhà đầu nhỏ lẻ tham gia vào một thị trường chính thức. Hơn nữa, người tiêu dùng tại Ấn Độ cũng sẽ dễ dàng tiếp cận với nguồn cung vàng hơn nhờ sàn giao dịch này.
Ở những nơi khác cũng có những dấu hiệu tích cực trong việc giảm bớt rào cản đối với đầu tư vào vàng. Hiện luật thuế của Nga gần như cấm đầu tư vào vàng khi cá nhân và tổ chức mua vàng phải chịu thuế VAT 18% – mức cao nhất thế giới. Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi trong năm 2018. Nga đã dự thảo đề xuất sửa đổi luật để miến thuế này và đã trình lên chính phủ xem xét. Nếu được thông qua, đây có thể báo hiệu một sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vàng Nga.
Dường như khắp thế giới đang tạo điều kiện để việc tiếp cận vàng trở nên dễ dàng hơn. Như vậy, ngoài 4 lý do cơ bản trên để mua vàng vào trong năm 2018, về lâu dài cũng có 4 lý do khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược:
– Là nguồn mang lại lợi nhuận trong danh mục đầu tư
– Hầu như không có nhiều sự khác biệt giữa vàng với các loại tài sản quan trọng khác, kể cả trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng cũng như suy yếu
– Là tài sản tiện dụng như tiền mặt hay các loại hình tài chính đảm bảo khác
– Luôn phát huy tác dụng giảm thiểu rủi ro trong bảng danh mục đầu tư